Kiến thức huyền bí
“RỒNG” THẦN NAM MỸ – ĐẤNG SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI AZTEC
“RỒNG” THẦN NAM MỸ – ĐẤNG SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI AZTEC
“Quetzalcoatl” trong ngôn ngữ của người Aztec là sự kết hợp giữa loài chim lông màu ngọc lục bảo và con rắn. Do đó, Quetzalcoatl thường còn được gọi bằng tiếng Anh là Plumed Serpent hoặc Feathered Serpent.
Nguồn gốc của Quetzalcoatl
Vị thần này đã được biết đến với những cái tên khác trong các nền văn minh Mesoamerica khác. Ví dụ, người Maya gọi Quetzalcoatl là Kukulkán, trong khi Quiché của Guatemala biết vị thần này là Gucumatz.
Nguồn gốc của Quetzalcoatl, hoặc ít nhất là dạng “rắn lông vũ”, có thể bắt nguồn từ nền văn minh Olmec, tồn tại từ khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 5 trước Công nguyên. Hình tượng một con rắn lông vũ thần thánh có thể được tìm thấy trên một tác phẩm chạm khắc trên đá Olmec nổi tiếng có tên là La Venta Monument 19, trong đó một người đàn ông đã ngồi trước sinh vật này. Tuy nhiên, sự sùng bái Quetzalcoatl chỉ xuất hiện vài thế kỷ sau đó, trong thời kỳ Hậu Cổ điển.
Quetzalcoatl được tôn thờ trong nền văn minh Teotihuacan, tồn tại giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 8 sau Công nguyên. Có vẻ như người dân của nền văn minh này đã tôn thờ Quetzalcoatl như một vị thần thực vật, một vị thần của đất và nước có mối liên hệ chặt chẽ với Tlaloc, một vị thần mưa.
Sau đó Quetzalcoatl được biến thành vị thần của ngôi sao buổi sáng và buổi tối – vì chiến tranh và hiến tế con người, vốn là những nét chính của nền văn hóa này, được liên kết với việc thờ cúng các thiên thể. Trong vai trò hai ngôi sao này, Quetzalcoatl cũng là biểu tượng của cái chết và sự tái sinh.
Vai trò của Quetzalcoatl như một vị thần mặt trời đã được duy trì trong thời kỳ Aztec, mặc dù cũng được giao một số vai trò khác. Ví dụ, Quetzalcoatl được liên kết với hành tinh Venus, trở thành thần bảo hộ của thợ kim hoàn và các thợ thủ công khác, và được coi là vị thần của học tập, khoa học, thủ công, nghệ thuật và nông nghiệp.
Quetzalcoatl cũng được cho là người đã phát minh ra lịch và phát hiện ra ngô, hai đặc điểm quan trọng của nền văn minh Aztec. Hơn nữa, Quetzalcoatl trở nên liên kết chặt chẽ với những cơn gió, đặc biệt như một tác nhân mang lại những đám mây mưa, điều quan trọng đối với một xã hội phụ thuộc vào nông nghiệp.
Quetzalcoatl trong Thần thoại Sáng tạo
Theo người Aztec, Quetzalcoatl và một trong những người anh em của mình, Tezcatlipoca, được giao nhiệm vụ tạo ra thế giới.
Hai anh em liên tục chiến đấu với nhau, dẫn đến việc tạo ra và hủy diệt nhiều thời đại liên tiếp. Chẳng hạn, trong Thời đại thứ nhất, Quetzalcoatl đã tấn công Tezcatlipoca bằng một chiếc gậy đá, khiến người anh em tức giận ra lệnh cho báo đốm ăn thịt tất cả mọi người. Người Aztec tin rằng chu kỳ tạo ra và hủy diệt này đã xảy ra bốn lần, và chúng ta hiện đang sống ở Thời đại thứ 5.
Trong một phiên bản thay thế của thần thoại, hai anh em hợp tác hơn và đã thành công trong việc tạo ra trái đất và bầu trời bằng cách biến mình thành những con rắn khổng lồ và xé xác một nữ quái vật bò sát được gọi là Tlaltcuhtli (hoặc Cipactli) làm đôi. Hai vị thần sau đó đã tạo ra những thứ khác, chẳng hạn như mặt trời và mặt trăng, người đàn ông và phụ nữ đầu tiên, và các vị thần khác.
Để tạo ra con người, Quetzalcoatl cùng bạn đồng hành Xolotl (một vị thần đầu chó) phải đi vào Địa phủ và đánh cắp một số xương. Nhưng không may bị các vị thần cai quản bắt gặp và đánh rơi xuống hố được tạo ra để bẫy Quetzalcoatl, nhưng sau đó Quetzalcoatl cũng thoát ra khỏi hố và mang xương cho nữ thần rắn Cihuacoatl để tạo ra con người bằng cách trộn xương, ngô và một ít máu của Quetzalcoatl.
Cái kết của Quetzalcoatl
Trong thần thoại Toltec, có vị thần cũng là một vị vua tư tế của Tula, và không bao giờ cúng tế con người mà ông chỉ chấp nhận hy sinh thực vật hoặc động vật nhỏ chứ không phải máu của con người. Bởi thế Tezcatlipoca không hài lòng với Quetzalcoatl, và muốn tìm cách trừ khử cái gai này. Tezcatlipoca đã thành công trong việc làm cho Quetzalcoatl say xỉn để phạm tội loạn luân với em gái là Quetzalpétatl. Khi tỉnh dậy, Quetzalcoatl cảm thấy xấu hổ về bản thân, và đi lang thang dọc theo bờ biển Đại Tây Dương.
Trong một phiên bản thần thoại, Quetzalcoatl được cho rằng đã xây dựng một giàn thiêu và tự thiêu trên đó, sau này nơi ấy được gọi là hành tinh Venus.
Cũng có phiên bản khác cho rằng Quetzalcoatl đã đi thuyền đi về phía Đông trên một chiếc bè được kết bằng những con rắn và được hứa là sẽ quay trở lại….