Khái niệm huyền bí
MÈO – Linh vật xứ Ai cập Cổ đại
LINH VẬT XỨ AI CẬP CỔ ĐẠI
Có lẽ hầu hết những người từng nuôi mèo đều nói đùa rằng họ nghĩ những con mèo của họ sang chảnh y như ông hoàng bà chúa trong nhà, còn chủ thì lại chẳng khác gì con sen.
Nhưng nếu bạn quay trở về lại thời kỳ Ai Cập cổ đại thì ắt hẳn điều đó hoàn toàn là một thực tế. Ngoài chó, cò, khỉ, cá, hà mã, bọ hung, rắn, chim, cóc, bọ cạp v.v… thì mèo cũng là loài vật được yêu thích đến nỗi việc làm tổn hại đến chúng có thể sẽ phải nhận lấy những kết cuộc thê thảm. Chúng được đeo các trang sức bằng vàng, cho ăn thức ăn ngon nhất, khi chết sẽ được ướp xác và chôn cất đúng chuẩn hoàng gia.
Khi ngôi đền thờ nữ thần mèo ở Thebes được khai quật, hơn 300.000 con mèo được ướp xác đã được khai quật. Trong khi một số con được chôn trong chiếc bọc đơn giản, thì cũng có những con có đồ trang sức phong phú và cách ướp xác chi tiết như dành các tầng lớp cao cấp của xã hội bấy giờ.
Loài mèo được tôn kính bởi vì chúng được coi là loài vật linh thiêng của nữ thần Bastet. Vị nữ thần này thường được xuất hiện với mèo con, vì vai trò chính như một người mẹ bảo vệ đứa con của mình.
Nữ thần Bastet được tôn thờ từ rất lâu trong lịch sử Ai Cập.
Nhân dạng đầu tiên là một con sư tử cái hoặc 1 nữ thần đầu sư tử, tương tự như nữ thần sư tử Sekhmet.
Vào khoảng năm 1070-712 TCN, Bastet được miêu tả giống mèo nhà hơn là 1 con sư tử hoang dã. Trong khi ở đồng bằng sông Nile thì Bastet có nhân dạng sư tử.
Không giống như nhiều vị thần khác của Ai Cập cổ đại thường xuất hiện như con lai nữa người nửa thú, thì Bastet lại hiển thị ở cả hình dạng người và động vật, có thể xuất hiện như một con mèo hoặc một người phụ nữ đầu mèo.
Bastet là vị thần quan trọng với nhiệm vụ bảo vệ chính thức của toàn bộ Hạ Ai Cập cũng như vua Pharaoh. Bastet cũng thường chiến đấu với con rắn Apep, kẻ thù lớn nhất đe dọa thần mặt trời Ra.
Bastet cũng có sự kết hợp với Ra khiến cô trở thành vị nữ thần mặt trời cũng như vị thần bảo hộ. Tuy nhiên, vì mèo hoạt động vào ban đêm nên cô ấy cũng được kết nối với cả mặt trăng.
Bởi vì là thần bảo vệ Pharaoh và mặt trời, nên linh vật của Bastet càng trở nên linh thiêng trên khắp Ai Cập.
Các nhà sử học tin rằng mèo có thể có địa vị ở Ai Cập cũng tương tự như bò theo truyền thống trong xã hội Hindu.
*Sự diễn dịch hiện đại của tác giả:
Mèo được thuần hóa lần đầu tiên từ mèo rừng châu Phi vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên. Vốn là một nền văn minh nông nghiệp lớn trong khu vực, mèo hoang ở đây cũng là mèo bản địa, Ai Cập ắt là một trong những nền văn hóa đầu tiên chấp nhận loài mèo được thuần hóa.
Người ta thường tin rằng mèo được thuần hóa để bảo vệ các kho ngũ cốc khỏi các loài gặm nhấm và sâu bọ khác. Điều này có thể là cơ sở cho vai trò của Bastet với tư cách là người bảo vệ của thần Ra, vì thần Mặt Trời có mối liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp và sự phát triển của hệ thực vật trong tư tưởng của người Ai Cập.
Tất nhiên, Bastet cũng có thể được liên kết với Ra dựa trên mối quan hệ thực sự của mèo với mặt trời. Bởi vì mèo thích ngủ trong những mảng ánh sáng mặt trời ấm áp, những người chủ của chúng có thể đã tưởng tượng ra mối quan hệ giữa mèo với thần Mặt trời.
Bastet cũng chiến đấu với Apep, quái vật rắn khổng lồ. Trong cuộc sống thực, mèo được biết là có khả năng chống lại các loài rắn độc có nguồn gốc từ Thung lũng sông Nile, cũng như côn trùng và các loài gây hại khác.
Theo thời gian, Bastet được cho là có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh tật cũng như những con thú nguy hiểm.
Trong khi người Ai Cập cổ đại không hiểu chính xác cách thức lây lan của dịch bệnh, việc đưa mèo vào làm một hình thức kiểm soát tự nhiên. Mặc dù cơ chế có thể chưa rõ, nhưng mối tương quan giữa mèo và tỷ lệ bệnh thấp hơn có thể đã được người Ai Cập cổ đại ghi nhận.
Đến thời Hy Lạp, Bastet cũng đã đảm nhận vai trò của một nữ thần mẫu tử và người bảo vệ những đứa trẻ dựa trên khả năng sinh sản và bản năng làm mẹ của loài mèo nhà.
Bastet là một nữ thần có sự sùng bái ngày càng rộng rãi và quan trọng hơn khi linh vật trở nên thịnh hành hơn. Cuối cùng, mèo được người dân Ai Cập tôn kính hơn bất kỳ loài động vật nào khác vì chúng thực sự là hình ảnh sống động đầy nguồn cảm hứng của một vị nữ thần bảo hộ.
(Dịch từ nguồn: Mike Greenberg, PhD)
—–
Mặt trái:
Sau này, những người theo phái Bastet lấy hài cốt / xác ướp của mèo để dâng lên nữ thần, cầu mong bà đáp lại lời cầu nguyện của họ, và những xác ướp này được bày bán ở tại các ngôi đền, từ đó phát sinh ra một đường dây chuyên nhân giống và nuôi mèo để phục vụ cho loại hình kinh doanh béo bở, nhưng chắc chắn một điều rằng đấy không phải là tập tục truyền thống của những người nuôi mèo vào những năm đầu trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
Nhiều xác ướp mèo chứa hài cốt của những chú mèo con còn rất nhỏ bị bóp cổ hoặc bị gãy cổ. Rõ ràng chúng đã được lai tạo để giết mổ nhằm cung cấp xác ướp cho những người hành hương.
Tuy nhiên, qua các thiết bị CT hay XQuang, người ta dễ dàng nhận thấy một số xác ướp không phải là hài cốt của những con mèo đầy đủ mà là sự kết hợp của vật liệu đóng gói và các bộ phận cơ thể mèo được đúc thành hình dạng của một xác ướp.
Điều đó có thể cho thấy việc dù các loài động vật cho dù được tôn kính bởi vì đặc tính cùng sự liên hệ với thần linh, nhưng lại có vô số vật được nuôi chỉ đơn giản là một món hàng để làm đồ thờ cúng.