Kiến thức trải nghiệm

Cần Thầy hay Không Cần Thầy trong thế giới tâm linh?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Cần Thầy hay Không Cần Thầy trong thế giới tâm linh?

Trên hành trình tâm linh, việc thật sự nhớ bản thân là Ai liệu có quan trọng, việc Nhớ về ta quan trọng hay là Biết ta Hiểu ta lại quan trọng hơn?
Thế nào gọi là “nhớ”? Nhớ bằng cách người khác nói rồi ta tin, hay là sự tự viễn, hay là tự ta thấy, ta chắt lược rồi ta tinh lọc được?
* Trên hành trình tâm linh, chắc chắn ta đã – đang và sẽ phải nhận năng lượng áp đảo từ nhiều phía khiến ta bối rối.
Ban đầu ta như 1 đứa trẻ trần trụi, bước chân ra ngoài cùng sự hiếu kỳ, nheo mắt run rẩy nhìn trời, rồi qua từng giai đoạn, ta cóp nhặt nhiều thứ trên đường đi (thậm chí có thể vì những thứ đó khiến ta phân tâm rồi lạc đường không hay), ta biết dùng thứ gì đó để giữ ấm, ta biết sương đêm sẽ rất lạnh và lạnh thế nào, ta phải học cách tự dọ đường, ta biết đâu là hố, và đâu là bẫy thợ săn, ta nhận diện hố kia sâu nay nông, có bẫy nguy hiểm hay không v.v…
Ai có thể theo ta cả đời, và ta có thể mãi dựa vào ai trên hành trình nhận thức tâm linh ấy?
** Nếu đã vượt qua chướng ngại sơ khởi: “Hãy tỉnh táo lại và sống như người bình thường” thì có lẽ ít nhiều gì ta cũng sẽ nhận được những lời (cố tình hoặc vô tình) chê bai khiêu khích kiểu “Bạn chẳng biết gì cả!” khiến cho ta dễ trở nên lung lay “Ô. Hay là thế thật? Ôi, sợ thế, giờ phải làm thế nào đây, oa hu hu” hoặc trở nên giận dữ “Á, nó khinh thường mình, rõ là bố láo”, hoặc mỉm cười “Đúng thế, tôi không biết, nên tôi vẫn học đây mà, sao phải xoắn”, hoặc sẽ đẩy người đó ra khỏi tầm mắt khi nhận thấy người ấy không đáng để ta tốn thời gian bận lòng, thậm chí từ chối thẳng vì họ không xứng đáng bước vào để phá nát khu vườn mà ta đang chăm bón v.v…. Có rất nhiều sự lựa chọn cho những phản ứng, ta hoàn toàn tự do để làm những gì mà ta cho rằng phù hợp, quan trọng là ta ý thức được những điều ta đang làm, và ta luôn sẵn sàng để đúc kết những bài học tương ứng.
*** Trên hành trình tâm linh, chắc chắn ta cũng sẽ nghe câu nói quen thuộc “Phải có Thầy! Không có Thầy thì đừng đi, nguy hiểm!”
Câu nói không sai, nhưng chưa đủ. Thế nào là Thầy? Làm thế nào để biết ai đó là Thầy thật sự, hay ta đang vô tình diễn lại vở tuồng “Cô bé quàng khăn đỏ”, và bao nhiêu cô bé quàng khăn đỏ gặp kết cuộc có hậu? Chính những lời dọa nạt cùng những sự sợ hãi vô hình mà càng nhiều người tự biến mình thành cô bé quàng khăn ngoan ngoãn tự hiến tế làm mồi cho sói đội lốt người.
**** Hay khi ta đang bệnh dày vò, tổn thương sâu sắc, vết thương rỉ máu hành hạ ngày đêm…. việc của ta là nên nằm yên, khóc lóc khẩn cầu Thượng Đế rủ lòng đoái thương cho thầy đến trước nhà gõ cửa cứu rỗi, hay ta nên gắng lếch thân tàn sức kiệt ra ngoài cố mà đào bới tìm phương thuốc cứu thân, cũng như tự tạo duyên để gặp được người cần gặp? Rồi “bệnh vái tứ phương” để mong “phước chủ may thầy”, hay lại mãi đứng trong vòng xoáy giữa các chiến tuyến “chánh hay tà”. Bệnh của ta, ta còn không rõ hơn ai hết để tìm thuốc tìm thầy phù hợp, mà lại mãi lu xu bu, hao hơi phí sức tranh cãi, liệu có đáng tiếc?
***** Thậm chí ngay cả “Thiền”, có vẻ thiền định là bước căn bản trong vấn đề tự nhận thức tâm linh, lại không dễ dàng gì trong việc khuyến khích sự tự nhận thức ấy, thay vào đó là những lời dọa dẫm nguy hiểm vì dễ tẩu hỏa nhập ma, hay đả thông kinh mạch dẫn đến rối loạn, thậm chí có giáo phái còn gán ghép vào đó tội danh cho việc giao lưu với ác quỷ v.v…
Tự dưng liên tưởng đến cảnh thiên nhiên có núi non trùng điệp, ngày qua ngày, mưa dầm thấm sâu, rễ cây tụ nước, những địa chấn thay đổi, mạch nước ngầm lại lộ ra, nó chảy đến đâu, đá mòn đến đó, rồi từ từ hình thành 1 con suối, rồi hệ sinh thái quanh con suối đó bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên nếu tham lam cùng khối óc ngạo mạn: đem búa đem riều, thậm chí cả bom lựu đạn để phá núi, rồi đào xới xung quanh, tạo tác cưỡng ép cùng tâm tham ngông, đến khi đá lở đá đè nhăn răng bẹp ruột lại hỏi sao xui?
****** Cái chết cũng được nhiều người lôi ra làm bằng chứng hùng hồ cho sự thất bại, nhưng thật sự ai mà chẳng 1 lần phải chết? Cái chết là sự sợ hãi, sự đau khổ hay là sự giải thoát, thậm chí là một sự tái sinh?
Ta từ chối trải nghiệm, ta sợ làm phật ý tiền bối hoặc đám đông, mà chỉ ngoan ngoãn đi theo, đến cuối đời, ta nhận được gì?
******* Liệu có ngông nghênh ngờ nghệch quá không, nếu tin rằng những người ta gặp trên hành trình tâm linh đều có thể là thầy, mỗi trường hợp ta đụng phải lại luôn ẩn chứa 1 điều gì đó ta cần khai phá? Liệu rằng việc Nói lên cảm nghĩ bản thân có thật sự là một tội lỗi của một tội đồ đầy sự ngạo mạn?
Nhớ một lần leo núi Cấm, mình vẫn lầm lũi cẩn trọng đi từng bước trong tiết trời sương mù kèm gió mưa, mỗi khi đi qua 1 ngôi miếu nhỏ, lại lom khom đốt cây nhang cắm vào bát hương thì thầm “Chỉ cho con lối đúng nhé mọi người” (cũng như tiện dùng tý lửa hơ cho tay bớt lạnh)
Lại vô tình chạm mặt 2 ông cụ nọ, sau đó tám chuyện đời cùng những khác biệt trong tư duy thế hệ. Khi bản thân chép miệng bảo tội những con cá trong hồ Thủy Liêm, 1 ông cụ lại cười hỏi: “Không là cá, sao biết cá buồn, không là chim sao biết chim vui?”
Đột nhiên ngay tức khắc, trong đầu chợt bừng tỉnh…. Có lẽ trong đời, chúng ta cũng đã từng nghe qua nhiều câu nói và biết nó về mặt ngôn từ đơn thuần, nhưng để hiểu nó, và hiểu như nào thì cũng tùy nhân duyên, cũng như theo sự trải của từng người, không thể mong cầu, không thể cưỡng ép.
******** Vậy “Thầy” là gì? Một đời người nên có bao nhiêu vị thầy, 1 người thành công trong sự nghiệp tâm linh tức là phải bái được những sư phụ nổi tiếng? Thầy phải nên là người thế nào?
– Có nội lực vững chãi?
– Có kiến thức uyên bác?
– Có sự bao dung yêu thương rộng khắp?
– Có thần thông hô phong hoán vũ, đi mây về gió?
– Có gia thế hiển hách và tài sản kếch xù biểu tượng cho sự công nhận của xã hội?
– Người khó tính trầm mặc hoặc một người luôn cười hiền xoa đầu hoặc một người chủ động vỗ ngực xưng tên cùng những hứa hẹn chắc nịch?
Ta phải làm gì để gặp được một người thầy đúng đắn, hay là “thầy nào – trò nấy”, trò chọn thầy, hay thầy chọn trò, hay đơn thuần chỉ là 1 sự kết nối để bổ trợ nhau, cũng như ta tìm hiểu tâm linh với mục đích để làm gì, có lẽ tự mỗi người có câu trả lời riêng…
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Back to top button
0
Sẽ không lộ danh tính, các phù thủy hãy để lại bình luận..x