Kiến thức huyền bí
Con thuyền của thần Mặt Trời
Con thuyền của thần Mặt Trời.
Sông Nile là nguồn sống của người Ai Cập cổ đại và điều đó được thể hiện một cách nổi bật trong niềm tin tôn giáo của họ. Vào ban đêm, dải Ngân hà được coi là một sông Nile trên trời, gắn liền với Hathor, và là nơi cung cấp mọi điều tốt đẹp. Sông Nile cũng được liên kết với Uat-Ur, tên Ai Cập cho Biển Địa Trung Hải, trải dài đến các vùng đất chưa được biết đến từ đồng bằng và đưa hàng hóa qua thương mại với các cảng nước ngoài. Người Ai Cập được sử dụng tàu thuyền cho các hoạt động kinh doanh thương mại như đánh cá, buôn bán, du lịch và cả trong chiến tranh, nhưng vào thời Vương quốc Ai Cập Cổ đại (khoảng 2613-2181 TCN), hình tượng “Con Thuyền của các vị thần” (Barques of the Gods / Solar Boat of Gods) cũng có mặt trong tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nhằm liên kết thế giới nhân gian với cõi thần thánh.
Thần Mặt Trời RA trong huyền thoại Ai Cập cổ, thường được mô tả với hình người cùng đầu chim ưng đội vương miện cùng đĩa mặt trời chói lòa trên đỉnh. Ra là một trong những vị thần vĩ đại và được tôn kính nhất, nhưng thời gian dần trôi, ông tự thấy mình đã già nên đã quyết định từ bỏ quyền lực để lên trời an hưởng tuổi già.
Trong một câu chuyện thần thoại khác, thần Ra trở nên phẫn nộ và bất lực vì sự ngu ngốc tham lam vô độ của loài người mà quyết định tiêu diệt hết cả thảy bằng cách cử thần chiến tranh Sekhmet ăn thịt và nghiền nát thành phố của họ. Sau đó ông trở nên hối hận và ngăn vị nữ thần này lại bằng cách chuốc say, sau khi tỉnh giấc, Sekhmet lại trở thành 1 hình tượng Hathor thân thiện hơn với loài người.
Trong một số phiên bản, câu chuyện kết thúc ở đó, nhưng trong một số phiên bản khác, Ra vẫn không hài lòng với nhân loại, vì vậy mà quyết định chèo thuyền lên đường lên thiên đường (Tuy nhiên, vốn dĩ không thể hoàn toàn tách mình ra khỏi thế giới, nên ông vẫn xuất hiện mỗi ngày và chăm sóc vạn vật như mặt trời chiếu rọi khắp nhân gian)
Một trong những nhiệm vụ mà một vị thần Mặt Trời phải làm, đó là đi xuyên qua đêm tối. Để hoàn thành mục tiêu, ông lèo lái con thuyền qua các tầng trời và chiếu sáng khắp thế gian, nhưng khi thời khắc chạng vạng đến thì con tàu của ông lại bị chìm xuống đáy biển rồi lao thẳng xuống cõi Âm, nên ông bắt buộc phải đi thuyền qua thế giới ngầm u tịch và xuyên qua 12 cánh cổng tượng trưng cho 12 khu vực của thế giới bên kia dành cho các linh hồn. Để qua khỏi mỗi cánh cổng phải mất 1 tiếng, và ở mỗi cánh cổng sẽ có 1 vị thần canh giữ.
Khi đến cõi âm, thần Ra luôn ghé thăm thần Osiris để thể hiện sự tôn trọng cũng như gìn giữ mối giao hảo.
Các vị thần cũng như những linh hồn của người chính trực sẽ cùng lên thuyền và hộ tống Ra trong mỗi chuyến đi.
Trước khi rời khỏi màn đêm thì các vị thần luôn gặp rắc rối với con rắn quỷ Apophis (là thế lực hỗn mang muốn đưa vũ trụ về lại trạng thái không phân biệt của thời kỳ ban đầu, trong khi sự tồn tại của Ra lại giữ gìn trật tự khỏi sự hỗn loạn), nó luôn cố gắng phá hủy con tàu của các vị thần, ngày qua ngày, có vẻ nó đã cận kề được với sự khao khát chiến thắng ấy. Một lần nọ, Aphophis quyết định nuốt trọn con tàu để không còn phải thấy ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, nhưng tiếc thay bao tử của nó đã không thể chịu nổi sức mạnh của thần Ra mà phải nôn tháo, thời điểm đấy chính là “Nhật thực”.
Tuy nhiên, việc tiêu diệt con thuyền của thần Ra càng trở nên khó khăn hơn, kể từ khi thần Seth (chúa tể của sự hỗn loạn) ra tay nghĩa hiệp tương trợ (Có lẽ một phần cũng vì do rảnh rỗi / ngứa ngáy chân tay sau khi bị bại trận và mất ngai vàng dưới tay Horus, he he he) giúp cho chuyến đi xuyên âm ti của thần Mặt Trời an toàn hơn trước.
Mỗi đêm, các vị thần, cùng những linh hồn đã cùng nhau chiến đấu với hỗn loạn và bóng tối để bảo toàn sự sống và ánh sáng như những cuộc chiến vì công lý, và mỗi lần chiến thắng thì mặt trời sẽ mọc vào buổi sáng, và ánh bình minh là sự đảm bảo rằng tất cả đều tốt đẹp với Ra và sự sống trên Trái Đất vẫn tiếp diễn. Khi đó Apophis sẽ lui về thế giới ngầm và kiên nhẫn phục kích khi màn đêm buông xuống; cứ thế trận chiến giữa Ra và Đại Xà Tinh vẫn tiếp tục.
Thần Ra được thờ cúng toàn Ai Cập, nhưng đặc biệt được tôn sùng ở tại Heliopolis. Uy tín của ông lớn đến nỗi mà người Ai Cập theo các tín ngưỡng cổ xưa đã kết hợp ông với các vị thần khác trong đền thờ của họ. Ví dụ như sự kết hợp lần lượt với hai vị thần tối cao Amun và Atum. Tên của các vị thần cũng được dùng để đặt cho các vị Pharaoh, vua Ramses cũng thế, nghĩa của tên là “con trai thần Ra”.
—
Lại đề cập sơ về Osiris, ông này được coi là vị vua đầu tiên của Ai Cập, người bị anh em Set sát hại, sau đó đã được chị gái Isis và em gái Nephthys hồi sinh, rồi trở thành Chúa tể thẩm phán dưới địa phủ.
Khi một người chết, anh ta phải xuất hiện trước Osiris để phán xét về những việc làm của họ trên dương gian. Mặc dù sự phán xét của linh hồn sẽ bị ảnh hưởng bởi 42 Thẩm phán. Thoth và Anubis cũng tham gia vào việc chấp nhận hoặc từ chối lời thú tội của một người cùng sự cân đo của trái tim của người đó, tuyên bố của Osiris sẽ là lời cuối cùng.
Sự tồn tại tiếp tục của một người ở thế giới bên kia phụ thuộc vào lòng thương xót của Osiris, nên vị thần này luôn được tôn kính trong suốt lịch sử tín ngưỡng của Ai Cập.
Việc thờ cúng thần Osiris bắt nguồn từ Thời kỳ Sơ khai ở Ai Cập (khoảng 3150 – 2613 TCN) nhưng chắc chắn có nguồn gốc từ Thời kỳ Tiền triều đại.
Theo niềm tin của giáo phái Osiris thì Pharaoh có sự liên hệ với thần Horus khi còn sống và thần Osiris khi đã chết. Trên thực tế, nhà vua được cho là đi đến vùng đất của người chết trên con thuyền của chính mình, giống như thuyền của Osiris hay các vị thần khác.